Kinh tế 6 tháng đầu năm 2015: nông nghiệp tăng trưởng chậm, nhập siêu tăng

Khu vực nông nghiệp năm nay dự báo có thể không tăng trưởng như năm ngoái. Nhập siêu trở lại sẽ là mối đe dọa mục tiêu ổn định tỷ giá.

 

Nếu như nửa đầu năm ngoái, kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép bởi khu vực vốn đầu tư nước ngoài bị tổn thương sau biến cố giàn khoan Hải Dương 981 thì năm nay các vấn đề nội tại lại là lo âu lớn nhất.

 

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% - cao nhất so với cùng kỳ 5 năm. Đà phục hồi chủ yếu đến từ khu vực sản xuất, chỉ số ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9,6%, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011. Cùng với ngành chế biến chế tạo, khai khoáng tiếp tục là điểm tựa khi tổng sản lượng khai thác dầu thô nửa đầu năm đạt gần 8,4 triệu tấn, bằng gần 60% kế hoạch cả năm. “Sản lượng khai thác dầu thô tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung”, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.

 

Tuy nhiên, nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản là khu vực các chuyên gia đánh giá sẽ gặp nhiều thách thức trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm ở khu vực này đạt 2,36%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (2,9%) và chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ vào mức tăng trưởng chung (chỉ 0,42 điểm phần trăm, trong khi công nghiệp - xây dựng và du lịch lần lượt là 2,98% và 2,22%).

 

 

Theo ông Vũ Huy Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông nghiệp tăng thấp thời gian qua chủ yếu do thời tiết khắc nghiệt, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên ảnh hưởng tới năng suất. "Thị trường trong nước bão hòa nên phải phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoại thương cũng chật vật khi giá lúa, cà phê giảm mạnh", vị này đánh giá.

 

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cà phê, gạo đã giảm hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ. Đại diện Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thúy Hiền lý giải cung tăng trong khi cầu không thay đổi đã tạo sức ép cạnh tranh về giá. Ngoài ra, đồng euro, yen Nhật mất giá so với đôla Mỹ khiến các nhà nhập khẩu nước này giảm mua hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng.

 

“Nông nghiệp năm nay rất khó khăn và bức tranh sản xuất toàn ngành có thể không đạt được mức tăng trưởng như năm ngoái”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.

 

Nhập siêu cao cũng là mối lo. 6 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại thâm hụt hơn 3,5 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu, gần sát mức giới hạn mà Quốc hội đề ra (5%).

 

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập lượng lớn máy móc, nguyên liệu để phục vụ các đơn hàng gia công xuất khẩu, do đó hạn chế nhập khẩu lúc này là điều không dễ. Mặt khác, xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 47% kế hoạch, dự báo cuối năm thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt.

 

"Nhập siêu tăng trong bối cảnh dòng vốn dần rút khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ gây áp lực lên mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016", Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã dùng hết "room" điều hành tỷ giá trong năm nay là 2%.

 

*Nguồn: Vnexpress

 

Các tin khác

Giá cả thị trường

 

 BẢN TIN GIÁ GẠO 

Ngày 19/09/2016

 

 

* Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Oryza.com

 

* Tổng hợp: Tổ Quản lý Website - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc 

 

* Số liệu mang tính chất tham khảo. Tổng công ty

Lương thực Miền Bắc không chịu trách nhiệm liên

quan đến việc các tổ chức/ cá nhân trích dẫn, sử

dụng thông tin đăng tải để dùng vào các mục đích

kinh doanh thương mai.

Lượt truy cập: 5050746
Đặt làm trang chủLên đầu trang