Tổng doanh thu ước đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 149,7% kế hoạch năm
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Sơn Hà – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinafood 1 cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, Tổng công ty đã triển khai kế hoạch và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đến tất cả cán bộ lãnh đạo các Ban chuyên môn, các đơn vị thành viên; triển khai phương án kinh doanh cả nội địa và xuất khẩu, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường thương mại.
Để thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác kinh doanh khai thác thị trường thương mại, năm 2024, Vinafood 1 đã cử các đoàn công tác tại các nước Philippines, Indonesia, Trung Quốc... để khảo sát, khai thác thị trường, hợp đồng kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhờ làm tốt công tác dự báo và chủ động bám sát thị trường, đặc biệt là các thị trường, khách hàng nhập khẩu gạo lớn, năm 2024, Vinafood 1 đã thắng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn, tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 1,26 triệu tấn (Công ty mẹ đạt gần 1 triệu tấn), chiếm khoảng 14% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước (tăng 2 điểm % so với năm 2023 - năm 2023 thị phần xuất khẩu của Tổng công ty đạt 12%), tiếp tục giữ vị trí đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo.
|
Ông Trần Sơn Hà – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinafood 1 báo cáo tại Hội nghị |
Song song hoạt động thu mua lúa, chế biến và xuất khẩu gạo, Vinafood 1 cũng đã triển khai phương án thu mua sẵn cho nông dân với số lượng hơn 200.000 tấn, hiện đang được triển khai tiêu thụ.
Đối với ngành hàng lúa mỳ, ước cả năm 2024 các đơn vị thuộc Tổng công ty đã nhập khẩu khoảng 600 nghìn tấn lúa mỳ, tương ứng khoảng 20% sản lượng lúa mỹ nhập khẩu để chế biến bột mỳ thực phẩm. Tổng sản lượng bột mỳ tiêu thụ ước cả năm 2024 đạt hơn 400 ngàn tấn, chiếm trên 50% thị phần bột mỳ tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến lúa mỳ, đặc biệt là Công ty TNHH Sản xuất Bột mỳ Vimaflour tiếp tục giữ vững ở mức cao.
Về ngành hàng muối, ước tính cả năm 2024, các đơn vị ngành muối trong Vinafood 1 đã sản xuất, thu mua khoảng 20 ngàn tấn muối nguyên liệu, trong đó sản lượng muối sản xuất đạt khoảng 75%. Các đơn vị ngành muối có nhiều nỗ lực về sản xuất, kinh doanh, trong điều kiện muối nhập khẩu nhiều với số lượng lớn song vẫn duy trì được hoạt động sản xuất muối tại các vùng muối chất lượng cao, tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cũng như việc làm và thu nhập cho người lao động.
Về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024, sản lượng lương thực mua vào toàn Tổng công ty ước đạt 2.005.391 tấn, bằng 135,5% kế hoạch năm; trong đó lượng lương thực Công ty mẹ mua vào là 1.188.647 tấn, đạt 139,6% kế hoạch năm. Sản lượng lương thực bán ra toàn Tổng công ty ước đạt 1.935.053 tấn, bằng 134,7% kế hoạch năm; trong đó lượng lương thực Công ty mẹ bán ra là 1.120.821 tấn, đạt 134,5% kế hoạch năm. Khối lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 1.266.951 tấn, bằng 168,9% kế hoạch năm; trong đó lượng gạo xuất khẩu của Công ty mẹ đạt 939.524 tấn, bằng 159,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 773 triệu USD, bằng 189% kế hoạch; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Công ty mẹ ước đạt 567 triệu USD, bằng 178% kế hoạch.
Tổng doanh thu Vinafood 1 ước đạt 27.704 tỷ đồng, bằng 149,7% kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt 16.333 tỷ đồng, bằng 154,7% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận toàn Tổng công ty ước đạt 315 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 278 tỷ đồng bằng 100,8% kế hoạch được giao.
Nỗ lực tiếp tục giữ vị thế là một trong các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy nhận định: Năm 2024, thị trường thế giới và khu vực có không ít thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức. Hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia xuất khẩu; sản xuất nông, lâm nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nặng cho người dân và doanh nghiệp nhiều tỉnh phía Bắc.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Trước bối cảnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Đối với Vinafood 1, nhờ làm tốt công tác dự báo và chủ động bám sát thị trường, đặc biệt là các thị trường, khách hàng nhập khẩu gạo lớn, năm 2024, Tổng công ty đã thắng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu với số lượng rất lớn, đưa tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 1,26 triệu tấn, bằng 168,9% kế hoạch năm, đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị, đưa doanh số toàn Tổng công ty lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo.
“Từ kết quả trên, Ủy ban đánh giá cao những nỗ lực, đánh giá cao khả năng quản trị, điều hành của đội ngũ Lãnh đạo Vinafood 1, các phòng ban chuyên môn và người lao động trong việc thực hiện tổ chức sản xuất kinh doanh; đảm bảo có hiệu quả và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận hàng năm, góp phần hoàn thành kế hoạch 05 năm cho cả giai đoạn 2021-2025, cũng như đóng góp cho thành công chung của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu trong suốt thời gian vừa qua” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh, đồng thời, bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của Tổng công ty để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, hoàn thành tốt sứ mệnh của Ủy ban trong suốt giai đoạn vừa qua.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu đề nghị Vinafood 1 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Vinafood 1 cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 đã được phê duyệt. Để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, đề nghị Tổng công ty tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch chi tiết, phân công rõ ràng trách nhiệm gắn kết quả với việc xem xét, đánh giá cán bộ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy yêu cầu Vinafood 1 cần làm tốt công tác dự báo, đánh giá thị trường quốc tế và trong nước, để chủ động có phương án kinh doanh có hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Sớm có giải pháp chuyển dịch, bổ sung đa dạng hóa các loại sản phẩm mới, chế biến sâu gạo; Thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vinafood 1 cũng cần nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty và hiệu quả vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác. Chú trọng giám sát phân phối, phân chia lợi nhuận của các liên doanh, doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty có hiệu quả cao nhằm đảm bảo lợi ích của các bên theo đúng quy định.
Ngoài ra, Vinafood 1 cũng cần phát huy truyền thống của Tổng công ty, tiếp tục nỗ lực vượt khó, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua. Có những chế độ, chính sách khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu để làm động lực thúc đẩy người lao động ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tổng công ty năm 2025 và những năm tiếp theo. Chăm lo tốt đời sống người lao động, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. “Tôi tin tưởng rằng, năm 2025 dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tập thể người lao động Vinafood 1 sẽ phát huy truyền thống để chung sức, đồng lòng cùng xây dựng Tổng công ty ngày càng phát triển, có nhiều dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy khẳng định.
|
Bà Bùi Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1 phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1 bày tỏ cảm ơn tới sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong những năm qua. Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Vinafood 1 sẽ nỗ lực tiếp tục giữ vị thế là một trong các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn. Tiếp tục theo sát chính sách và nhu cầu của các thị trường truyền thống để gia tăng lượng gạo trúng thầu; tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường thương mại, thị trường bán lẻ khác theo hướng gia tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh nội địa, tăng lưu thông lương thực hàng hóa, phát huy tối đa nguồn lực và mạng lưới các đơn vị để tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết: Vinafood 1 sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật. Nâng cao tính minh bạch, công khai và tránh nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước, chi phí, kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo theo các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định. Thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, bình ổn thị trường, đảm bảo ổn định xã hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước.
Nhân dịp này, Hội nghị đã vinh danh những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2024.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trao Cờ thi đua của Ủy ban cho các đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023 |