Đối thủ cạnh tranh mới của gạo Việt Nam

Myanmar bước vào thị trường sẽ lấy đi một số khách hàng của Thái Lan và Việt Nam. Về lâu dài, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết.

Hiệp hội Lúa gạo Myanmar (MRIA) cho biết, xuất khẩu gạo từ nước này sẽ tăng gấp hơn 2 lần lên 1,5 triệu tấn trong năm nay, sau đó là 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015, so với 700.000 tấn của năm 2011.

Kỳ vọng kết quả như vậy là nhờ chương trình mua lúa gạo giá cao hơn thị trường tới 10% kể từ đầu năm nay của Chính phủ để khuyến khích nông dân trồng trọt.
 
Nguồn cung ra thị trường mạnh hơn từ Myanmar có thể giúp dự trữ lúa gạo toàn cầu gia tăng, trong khi các nước xuất khẩu quan trọng như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ lại bị cạnh tranh mạnh mẽ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nếu hoàn thành kế hoạch xuất 1,5 triệu tấn gạo thì Myanmar sẽ vươn lên vị trí thứ 6 thế giới trong năm nay – thành tích tốt nhất kể từ những năm 1960, thời điểm nước này đứng số 1 thế giới.
 
Vichai Sriprasert, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận xét, Myanmar bước vào thị trường sẽ “lấy đi” một số khách hàng của Thái Lan. Về lâu dài, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết.
 
Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng mạnh hồi tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái do Thái Lan có kế hoạch thu mua lúa gạo giá cao. Tuy nhiên, giá cũng chỉ ở mức cao 3 năm trong một thời gian ngắn, sau đó đảo chiều lao dốc vì nguồn cung dồi dào và giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan. So với mức cao trên 600 USD/tấn của gạo 100%B Thái Lan hồi tháng 11, giá hiện thấp hơn 18%.
 
Mục tiêu về lúa gạo
 
MRIA cho biết, tiêu thụ gạo nội địa của Myanmar hiện khoảng 11,5 – 12 triệu tấn mỗi năm. Sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ tăng 11% lên 13,5 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2011 và sẽ lên 15,5 triệu tấn trong vòng 3 năm tới. Các thị trường mà nước này hướng tới để xuất khẩu nguồn dư thừa sẽ là châu Phi, Indonesia và Philippine.
 
Mới đây, Myanmar đã đạt được thỏa thuận bán 200.000 tấn gạo cho Indonesia– đơn hàng đầu tiên tới Indonesia trong hơn 10 năm qua. Nước này cũng vừa nhận được hồ sơ chào mua từ Toyota – tập đoàn ô tô hàng đầu của Nhật Bản – với khối lượng 300.000 tấn, thông qua một công ty kinh doanh gạo tại Myanmar.

Tiềm năng kinh tế
 
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar có tiềm năng để trở thành một "mặt trận" phát triển kinh tế mới ở châu Á nếu tận dụng được các tiềm lực về tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ và sự gần gũi với hai quốc gia tiêu thụ hàng hóa hàng đầu là Trung Quốc cùng Ấn Độ. Myanmar cũng hoàn toàn có khả năng tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay nhờ lợi thế có chung đường biên giới với hai nước đông dân nhất này.
 
Hiện Mỹ và châu Âu đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ độc tài quân sự cũ của Myanmar. Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ tới nước này vừa qua cho thấy cánh cửa đang mở ra với thế giới của Myanmar. Nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers nhận định rằng, Myanmar sẽ là đất nước có “triển vọng nhất” ở châu Á nhờ những cải cách về chính trị.
 
Phương Thảo
 


(Theo TTVN/Bloomberg)

Các tin khác

Giá cả thị trường

 

 BẢN TIN GIÁ GẠO 

Ngày 19/09/2016

 

 

* Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Oryza.com

 

* Tổng hợp: Tổ Quản lý Website - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc 

 

* Số liệu mang tính chất tham khảo. Tổng công ty

Lương thực Miền Bắc không chịu trách nhiệm liên

quan đến việc các tổ chức/ cá nhân trích dẫn, sử

dụng thông tin đăng tải để dùng vào các mục đích

kinh doanh thương mai.

Lượt truy cập: 5295893
Đặt làm trang chủLên đầu trang