ĐBSCL: Giá lúa tăng, doanh nghiệp “ngóng” hợp đồng

Sau hơn một tháng rơi vào vòng xoáy giảm sâu, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới chưa có nhiều nên các doanh nghiệp chủ yếu chỉ mua cầm chừng để nhập kho dự trữ, còn hoạt động xuất khẩu dường như vẫn đang “án binh bất động”.

Sau hơn một tháng rơi vào vòng xoáy giảm sâu, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới chưa có nhiều nên các doanh nghiệp chủ yếu chỉ mua cầm chừng để nhập kho dự trữ, còn hoạt động xuất khẩu dường như vẫn đang “án binh bất động”.


Giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ 


Trong vài ngày gần đây, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu hướng tăng nhẹ từ 100-300 đồng/kg tùy từng loại. Cụ thể, giá lúa tươi IR50404 tại ruộng đã tăng lên khoảng 4.300-4.400 đồng/kg, thay vì có thời điểm giảm sâu chỉ còn 3.900-4.000 đồng/kg. Giá lúa hạt dài OM 4900, OM 6976 cũng tăng tương tự, hiện ở mức 4.600-4.800 đồng/kg. 
Tại một số địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, giá gạo bán tại các chợ cũng đã bắt đầu nhích lên thêm từ 100-150 đồng/kg. Một số thương lái cho biết, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có mức giá dao động khoảng 6.600 – 6.700 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300 – 6.400 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500 – 7.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.300 – 7.400 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.200 – 7.300 đồng/kg. 


Theo anh Huỳnh Văn Sơn, nông dân trồng lúa ở huyện Thạnh Hóa, Long An, giá lúa gạo vài ngày gần đây có xu hướng tăng nhẹ là do thương lái “ăn mạnh”, thu mua nhiều hơn. Bên cạnh đó, chất lượng gạo cũng đã được cải thiện, tỷ lệ hạt gạo bị đen, vụn vỡ thấp hơn so với thời điểm đầu vụ nên các thương lái, doanh nghiệp tăng cường mua vào nhiều hơn để dự trữ. 


Nói thêm về thời điểm giá lúa gạo giảm sâu, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, ngoài chất lượng lúa đầu vụ Hè Thu khá thấp thì việc giá lúa “rớt” cũng mang cả yếu tố tâm lý. Các thương lái, doanh nghiệp khi nghe thông tin Thái Lan xả hàng nên lo sợ, không dám “ôm” hàng. Do đó, khi hết chu kỳ gạo kém chất lượng cộng thêm nguồn cung cấp của vụ Hè Thu không ồ ạt như vụ Đông Xuân và nhu cầu thị trường tăng dần có thì giá lúa gạo bắt đầu phục hồi là hợp lý, phù hợp với quy luật bình thường. 


Mặc dù giá lúa gạo trong nước đang có xu hướng tăng, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trong ngành, tình hình xuất khẩu gạo hiện vẫn khá im ắng, chưa có nhiều nhu cầu nhập khẩu mới từ các thị trường. 


Doanh nghiệp “chờ” hợp đồng 


Theo ông Lâm Anh Tuấn, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào bán được hợp đồng lớn, kể cả hợp đồng thương mại. Bản thân doanh nghiệp hiện cũng đang ngừng thu mua, do đã đầy kho và chưa bán ra được. Thời điểm này nhu cầu của thị trường cũng chưa có nên khi muốn bán cũng không thể bán được. 


Cũng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, trong tháng 6 là thời điểm tệ nhất của doanh nghiệp do không có bất kỳ hợp đồng mới nào được ký kết. Các doanh nghiệp chủ yếu đang mua vào để dự trữ chờ cơ hội. Phía Trung Quốc hiện chưa mua vào, còn Philippines , Indonesia thì không có hợp đồng tập trung. 


“Giá gạo xuất khẩu chào bán của các doanh nghiệp hiện ở mức thấp nhất so với các nguồn cung như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… nhưng do không có nhu cầu nên doanh nghiệp cũng không bán được hàng. Không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp các nước khác cũng trong tình trạng nằm ngóng cơ hội. Muốn có hợp đồng mới, doanh nghiệp phải chờ sang tháng 8, thậm chí có khi phải qua tháng 9, khi đó nhu cầu từ thị trường mới rõ rệt”. - ông Đôn cho biết. 


Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông trong năm nay, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ 6 tháng cuối năm nay chỉ khoảng 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, triển vọng thị trường còn nhiều, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chính như Trung Quốc , Philippines và Indonesia tiếp tục ổn định. Do đó, việc tiêu thụ gạo sẽ không có gì đáng lo ngại và giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 


Nhiều doanh nghiệp cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới sẽ quay trở lại, cụ thể là ở các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippine, Indonesia, Malaysia... Bởi hiện tượng El-Nino đã ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của nhiều nước. Hàng năm, các nước này đều nhập khẩu gạo với số lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay họ chưa mua là do đã có kế hoạch dự phòng mua trước từ cuối năm 2015. Một số nước như Philippines mới ra mắt lãnh đạo nên cần thời gian để ổn định. Khi đó, Việt Nam sẽ có lợi thế nhiều hơn, do giá bán cạnh tranh và nguồn cung cấp tốt, trong khi một số đối thủ như Thái Lan vừa có giá bán cao, gạo mới lại chưa vào vụ thu hoạch. 


VFA dự kiến trong năm 2016 cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo, tương đương với xuất khẩu gạo của năm 2015. Hiện nay nhiều diện tích lúa Hè Thu ở các địa phương đã được thu hoạch xong. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 23/6, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1,53 triệu ha vụ Hè Thu và hiện đã thu hoạch khoảng 450.000 ha với năng suất 5,5 - 5,8 tấn/ha./. 

Các tin khác

Lượt truy cập: 5212921
Đặt làm trang chủLên đầu trang